Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thì Tp. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam có 4 tuyến đường vành đai theo số thứ tự 1,2,3,4. Trong đó, 2 tuyến vành đai 3 và 4 sẽ đi qua địa bàn huyện Củ Chi.

Bản đồ minh họa các tuyến đường vành đai 2,3,4 và cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài

Ngày hôm nay - 30.09.2021 đã chính thức có thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao 5 tỉnh có tuyến vành đai 4 đi qua chịu trách nhiệm làm đường vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh. 

Đây là một quyết định có thể được xem là rất nhanh chóng và thể hiện quyết tâm thúc đẩy tiến độ vốn rất ì ạch từ trước tới nay của siêu dự án này từ phía Chính phủ vì trước đó vào cuối tháng 08.2021 phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có đề xuất vấn đề này và đến nay sau 1 tháng đã nhận được câu trả lời chính thức.

Có thể nói đây là một tin vui cho người dân, nền kinh tế và cả đối với thị trường bất động sản Củ Chi vì đường vành đai có tác động tích cực đến giá bất động sản ở đây và (theo quan điểm tác giả) nó sẽ ở một quy mô lớn hơn rất nhiều so với đường cao tốc nhờ phạm vi liên kết rộng đi qua nhiều tỉnh thành, đặc biệt là tính kết nối địa phương cao với nhiều nút giao trên toàn bộ lộ trình. 

Dưới đây là những lợi ích được kỳ vọng từ việc đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai: 

- Giải quyết bài toán quá tải xe lưu thông ở nội thành. Giúp việc lưu thông giữa các hướng, các tính vùng ven dễ dàng và nhanh chóng hơn, bớt phụ thuộc vào các tuyến đường nội thành.

- Giúp Tp. Hồ Chí Minh kết nối giao thương hiệu quả hơn với các tỉnh lân cận.

- Làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của vùng ngoại thành.

- Phù hợp với xu hướng kéo giãn dân ra ngoại thành của Tp. Hồ Chí Minh. Và xét riêng đến bất động sản, chắc chắn việc đầu tư xây dựng các tuyến đường Vành Đai như trên sẽ có tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội và giá trị bất động sản tại những địa phương nó đi qua.

1. Về đường vành đai 4 và những điểm nổi bật

Tuyến Đường Vành Đai 4 Đi Qua Các Địa Phương

- Tên gọi: Đường Vành Đai 4

- Chiều dài: 197.6 km, được chia làm 5 đoạn triển khai, gồm:

+ Đoạn 1: Đoạn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) đến Trảng Bom – Đồng Nai (quốc lộ 1A).

+ Đoạn 2: Đoạn từ quốc lộ 1A (Trảng Bom – Đồng Nai) đến quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) dự kiến hoàn thành trước 2025.

+ Đoạn 3 (ĐI QUA ĐỊA BÀN H.CỦ CHI): Đoạn quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) đến QL22 (Củ Chi – Tp. Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2024.

+ Đoạn 4 (ĐI QUA ĐỊA BÀN H.CỦ CHI): Từ QL22 (Củ Chi – Tp. Hồ Chí Minh) đến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương (Bến Lức – Long An) dự kiến hoàn thành trước 2023.

+ Đoạn 5: Đoạn Bến Lức – Long An (giao với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương) đến cuối tuyến trục Bắc – Nam Tp. Hồ Chí Minh (cảng Hiệp Phước – Tp. Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2017.

- Vốn đầu tư (dự kiến): 100.000 tỷ đồng và được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP)

- Quy mô: 6 – 8 làn xe, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Lộ giới lớn nhất khoảng 121.5m

- Tốc độ cho phép: 60-80 km/h.

- Đi qua các địa phận 5 tỉnh và thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và Long An

2. Thủ tướng đồng ý giao 5 tỉnh làm đường vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh

Một đoạn đường Bàu Lách, xã Phạm Văn Cội, Củ Chi tương lai là đường Vành đai 4

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ GTVT về việc giao 5 địa phương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và Long An làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 45 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 49 km.

UBND Tp. Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận Tp. Hồ Chí Minh), dài khoảng 71 km.

Bộ GTVT cũng được Thủ tướng giao tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến, kịp thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật.

Một phần bài viết có nội dung trích từ báo Pháp Luật Online - plo.vn

* Trên đây là một số thông tin được Nhà Đất Củ Chi 539 tổng hợp về một dự án giao thông có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Củ Chi và thành phố. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về các dự án lớn đang có kế hoạch triển khai trên địa bàn huyện để giúp quý khách hàng có thêm cơ sở để ra quyết định khi đầu tư bất động sản Củ Chi.

Chia sẻ: