Việc xây cất nhà tạm trên đất nông nghiệp là một nhu cầu thiết thực của người nông dân trong canh tác nông nghiệp. Do đó, công văn chỉ đạo từ UBND Thành phố đã phần nào giúp gỡ rối cho người nông dân

Từ trước đến nay, việc xây cất nhà tạm trên đất nông nghiệp là một nhu cầu thiết thực của người nông dân trong canh tác nông nghiệp, giúp phục vụ việc sản xuất canh tác nông nghiệp hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với nhu cầu tưởng chừng rất đơn giản này thì trên thực tế do không có văn bản hướng dẫn chỉ đạo cụ thể nên ở mỗi địa phương lại có cách thực hiện khác nhau vô tình gây khó khăn cho người nông dân. Ngược lại, đôi khi chính quyền địa phương cũng không thể có hướng xử lý rõ ràng đối với các trường hợp vi phạm. Do đó, công văn chỉ đạo từ UBND Thành phố đã phần nào giúp giải quyết những vướng mắc trên.

Nội Dung Cụ Thể Của Công Văn Chỉ Đạo

TP. HCM THÍ ĐIỂM CHO XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH TẠM TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP NHẰM PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
 
Mới đây, UBND TP.HCM đã gửi công văn khẩn do ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ký gửi tới các sở, UBND thuộc ba huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè hướng dẫn thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Theo đó, trong công văn của UBND TP đã phân chia và chỉ đạo thực hiện cụ thể đối với hai nhóm công trình xây dựng trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tại địa bàn huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè. Phạm vi chỉ áp dụng đối với các công trình như: chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở; kênh, mương phục vụ tưới tiêu; các cấu kiện lắp ghép để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi. Công trình xây dựng (có quy mô cấp 4) nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (không phân biệt đất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác; không phân biệt chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt).
Cụ thể, nhóm 1 bao gồm các hạng mục lắp dựng bằng các cấu kiện lắp ghép (dễ tháo dỡ) để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng vật nuôi trong phạm vi ranh đất. Các công trình như chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở được lắp dựng bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường như: cây gỗ, tranh, tre, nứa, lá với diện tích không quá 15 m2. Khi xây dựng, chủ đầu tư thực hiện trên phần đất thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng phải thông báo đến UBND xã.
Nhóm 2 bao gồm những công trình có quy mô cấp 4 (1 tầng, diện tích nhỏ hơn 1000 m2, chiều cao dưới 6 m). Chủ đầu tư đề xuất vị trí, diện tích thích hợp trong sơ đồ tổng mặt bằng khu đất kèm theo phương án sản xuất nông nghiệp (mật độ xây dựng không quá 5% diện tích đất). Khi có nhu cầu thay đổi công năng sử dụng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ đầu tư/người sử dụng đất phải có văn bản thông báo đến UBND huyện để được xem xét có ý kiến chấp thuận hay không bằng văn bản.
TP.HCM thí điểm cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp - ảnh 1

Công trình xây dựng bằng các loại vật liệu tranh, tre, nứa, lá

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Trong công văn này, UBND Thành phố cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè phải thường xuyên kiểm tra rà soát và có văn bản thông báo định kỳ đến UBND TP về quá trình này. Thường xuyên cập nhật biến động với các công trình đã hoàn thành và có văn bản báo cáo sơ kết thực tiễn, đánh giá quá trình thực hiện gửi lên để UBND TP có những hướng tiếp theo để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
UBND TP yêu cầu UBND huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè căn cứ hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương, lựa chọn một số xã thuộc huyện để từng bước thực hiện thí điểm. UBND TP cũng quy trách nhiệm cụ thể đối với UBND huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè về những nội dung thỏa thuận và quản lý xây dựng công trình. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện thí điểm xây dựng các công trình nêu trên tại địa phương, không để xảy ra tình trạng lợi dụng thực hiện thí điểm để xây dựng các công trình không đúng với tinh thần thí điểm, không đúng với quy định của pháp luật. Định kỳ hàng tháng phải gửi về Sở Xây dựng danh mục các công trình đã thực hiện thỏa thuận, thẩm định và cấp giấy phép xây dựng (nếu có).
 
Nguồn Báo Thanh Niên
 

Chia sẻ: