Bài viết dưới đây mang đến những lưu ý liên quan đến vấn đề đặt cọc mua đất. Đừng để việc đặt cọc thay vì là một mở đầu cho sự hợp tác mang đến lợi ích cho đôi bên lại trở thành một sự cố, một sai lầm

 - Với người làm nghề môi giới bất động sản không gì hạnh phúc bằng việc kết nối thành công người bán người mua đi đến tới bước đặt cọc. Bao nhiêu nỗ lực, mồ hôi đổ ra cũng sắp tới giây phút được đền đáp.

- Vì vậy, sẽ rất hụt hẫng nếu chẳng may vào giờ chót thỏa thuận mua bán bị hủy, hoãn hoặc tệ hơn nữa có vấn đề phát sinh sau khi đã ký kết hợp đồng đặt cọc. Nếu đối với người môi giới, việc này sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến sự tự tin cá nhân, đến uy tín trong mắt khách hàng. Còn đối với người mua, hậu quả đôi khi nặng nề hơn nếu không cẩn thận khi ký kết hợp đồng đặt cọc mua nhà đất, người mua có thể sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí mất trắng tiền cọc.

- Mặc dù những nguyên do dưới đây có thể coi là rủi ro nghề nghiệp, đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của một người môi giới. Tuy nhiên, để hạn chế bớt những rủi ro vẫn luôn luôn cần có sự cẩn trọng lưu ý hơn ngay từ đầu. Điều này giúp cho công việc của người môi giới ngày một chuyên nghiệp hơn và hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

  1. Trước khi kí kết hợp đồng đặt cọc

- Để hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất, trước hết người mua cần phải xác định tính hợp pháp của bất động sản, kiểm tra xem căn nhà đó có đủ điều kiện để bán hay không.

- Người mua cần xem giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, xác minh xem nhà đó có bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không, bất động sản có tranh chấp hay đang bị cầm cố, thế chấp không...

- Tiếp đó, cần xác định ai là chủ sở hữu, sử dụng của bất động sản, là sở hữu cá nhân hay là đồng sở hữu. Một ngôi nhà đủ điều kiện để giao dịch mua - bán thì bên bán nhà phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự và có năng lực hành vi dân sự.

- Người mua nên yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ bản sao có công chứng mới nhất của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) của ngôi nhà cùng hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người bán (của cả vợ chồng nếu người bán đã có vợ, chồng). Đồng thời, đến UBND cấp xã nơi có đất yêu cầu cung cấp các thông tin về nhà ở để kiểm tra điều kiện nhà ở bán trước khi đặt cọc.

  1. Khi tiến hành kí kết hợp đồng đặt cọc

- Việc đầu tiên cần xác định là chủ thể sẽ kí kết hợp đồng. Chủ thể ký kết sẽ là chủ thể có tên trong sổ hồng hoặc giấy tờ tương đương. Nếu người bán đã có vợ/chồng thì khi ký phải có đủ vợ và chồng của bên bán, không để trường hợp chỉ một người ký sau này rất rắc rối. Nếu đồng sở hữu đông người thì cần yêu cầu tất cả những người có trong sổ hồng cùng ký.

- Trường hợp có giấy ủy quyền từ chủ sở hữu thì cần phải xác định giới hạn ủy quyền của người được ủy quyền để không xảy ra trường hợp vượt quá giới hạn ủy quyền. Việc ủy quyền phải được thành lập bằng văn bản và có công chứng thì mới được xem là hợp pháp.

- Người mua cần nhớ kiểm tra kĩ càng các nội dung chính quan trọng trong hợp đồng đặt cọc. Cụ thể, người bán đã nhận của người mua bao nhiều tiền và trong khoảng thời gian bao lâu nếu người mua không đưa đủ số tiền còn lại sẽ bị mất tiền cọc. Ngược lại, cũng cần ghi rõ trách nhiệm bồi thường của người bán nếu "hủy kèo" bán cho người khác hoặc không tiến hành các giao dịch tiếp theo đúng thời hạn cho người mua.

- Hợp đồng đặt cọc có thể công chứng hoặc không. Nếu không công chứng, hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp hoặc các rủi ro khác thì các bên nên công chứng hoặc chứng thực.

- Trong trường hợp đặt cọc không cần công chứng, quá trình đặt cọc nên có người làm chứng. Người làm chứng tốt nhất không có quan hệ họ hàng đối với cả hai bên mua và bán. Trong hợp đồng, họ cần ghi rõ những thông tin cá nhân cơ bản (họ tên, ngày sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú…), kèm theo đó là việc ký/ điểm chỉ, lời xác nhận rõ ràng về việc làm chứng.

- Tốt nhất, không nên đặt cọc, mua bán bằng ngoại tệ bởi việc mua bán này có thể bị vô hiệu, gây thiệt hại cho các bên.

- Nếu mua mảnh đất, ngôi nhà có giá trị cao, tiền đặt cọc cũng nhiều, tốt nhất việc thanh toán nên thực hiện tại ngân hàng, không nên thanh toán ở địa điểm khác. Cách tốt nhất là người mua để tiền trong tài khoản, khi mua bán hai bên ra ngân hàng và bên mua chuyển khoản cho bên bán, không mất thời gian kiểm đếm, không sợ tiền giả và không gặp nguy hiểm khi mang số tiền lớn đi đường.

Bài viết có tham khảo nội dung từ nguồn: vietnamnet.vn

Chia sẻ: